Subscribe to our newsletter

Đăng ký nhận thông tin

Vui lòng cung cấp email để nhận thông tin mới nhất từ chúng tôi.

Nhấn vào đây để từ chối nhận thông tin

Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: bay qua vùng nhiễu động

04/04/2022

Nữ tỉ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ câu chuyện xoay xở, biến thách thức thành cơ hội trong đại dịch COVID-19 và lần đầu tiên nói về việc tham gia các hoạt động xã hội.

Vào cuối mùa xuân năm 2021, thủ tướng Việt Nam khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc tổ chức hội nghị Đối thoại 2045 với các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Ông đã lắng nghe lãnh đạo các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” đóng góp ý kiến cho khát vọng chung đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường vào năm 2045. Ba từ khóa được nhắc đến nhiều nhất là “đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”, “đổi mới thể chế” và “ứng dụng đổi mới công nghệ.”

Ngồi ở hàng ghế đầu trong khán phòng là người phụ nữ nhỏ nhắn, mặc áo dài màu đỏ nổi bật. Với cặp kính trắng, mái tóc hỉ nhi lòa xòa trước trán, nữ doanh nhân này đã tạo ra phong cách thời trang cá nhân riêng trong giới doanh nhân, với những gam màu đỏ tươi, vàng hoàng kim, xanh lá, tím đậm. Trong buổi đối thoại, nhiều lập luận được đưa ra minh họa cho sức mạnh khối kinh tế tư nhân, một trong số đó là nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân lớn đủ sức giải quyết tình trạng tắc nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán HoSE.

Trước đó, phần mềm giao dịch của HoSE qua 20 năm sử dụng, 10 năm lên kế hoạch nâng cấp nhưng triển khai cầm chừng. Khi số lượng nhà đầu tư F0 tăng vọt trong đại dịch, “bộ mặt” thị trường vốn Việt Nam trở nên xấu xí, giao dịch thường tắc nghẽn vào buổi chiều gây bức xúc cho giới đầu tư.

Với tấm bằng tiến sĩ ngành tự động hóa, có kinh nghiệm xây dựng các hệ thống lớn của ngân hàng, nữ doanh nhân này nêu sáng kiến cùng tập đoàn FPT triển khai hệ thống mới trong 100 ngày, kế hoạch HoSE-100. Phần sau đó như chúng ta đã biết, với hệ thống “made in Vietnam”, giao dịch trên thị trường trơn tru, VN-Index vượt 1.500 điểm với những phiên giao dịch bùng nổ, tổng giá trị giao dịch có phiên hơn hai tỉ đô la Mỹ đã tạo niềm hứng khởi cho giới đầu tư.

Nữ doanh nhân đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet Air, phó chủ tịch HDBank. “Thị trường chứng khoán là bộ mặt đại diện một quốc gia phát triển. Nếu Việt Nam là quốc gia hùng cường thì thị trường chứng khoán phải mang vị thế, tầm vóc như London, New York,” bà Thảo nhỏ nhẹ nói với Forbes Việt Nam về quyết định rót tiền cá nhân “giải cứu” thị trường tài chính.

Nữ doanh nhân quyền lực của châu Á năm 2019 theo bình chọn của Forbes được các đối tác miêu tả là người sắt đá, cứng rắn trên bàn đàm phán và “chi li tới từng đồng.” Các thuộc cấp miêu tả bà là người “có khả năng làm việc phi thường,” có thể họp xuyên trưa, vừa ăn vừa làm việc hoặc làm việc với các thuộc cấp từ chiều tối đến nửa đêm. Trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam tại nhà riêng vào một ngày cuối tuần, dù ngày nghỉ nhưng nữ doanh nhân sinh năm 1970 vẫn có lịch làm việc từ sáng đến tối với các cộng sự. Xen giữa các buổi họp đó là quãng thời gian trao đổi với Forbes Việt Nam về việc biến nguy thành cơ hội trong hai năm qua và trải lòng về các hoạt động thiện nguyện trong đại dịch COVID-19.

Theo dữ liệu của Forbes, vào đầu tháng 3.2022, với 3,1 tỉ đô la Mỹ, bà Thảo nằm trong nhóm 1.000 người giàu nhất hành tinh, với tài sản tập trung trong các lĩnh vực chính là hàng không, ngân hàng, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản dân dụng. Thuộc thế hệ doanh nhân trưởng thành từ lớp du học sinh tại Đông Âu, bà Thảo khởi nghiệp kinh doanh với các hoạt động thương mại ở thị trường quốc tế và kiếm được 1 triệu đô la Mỹ đầu tiên cách đây đúng 30 năm. Bà cùng người bạn đời, ông Nguyễn Thanh Hùng đầu tư về Việt Nam, sáng lập và điều hành Sovico Holdings, công ty tư nhân là cổ đông lớn tại Vietjet Air, HDBank, Phú Long… thuộc nhóm công ty phát triển nhanh, có vị thế cao trong lĩnh vực hàng không, tài chính và bất động sản.

Ở khu vực, tên tuổi bà Thảo gắn với Vietjet Air, hãng hàng không thành lập năm 2007 và cất cánh từ năm 2011. Nhưng khoản đầu tư quy mô đầu tiên của bà Thảo về Việt Nam là lĩnh vực ngân hàng. Bà là một trong các cổ đông sáng lập ngân hàng Quốc tế (VIB) năm 1996, sau này chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác, tăng sở hữu kiểm soát tại HDBank, ngân hàng bà đang ngồi ghế phó chủ tịch hội đồng thường trực.

Năm 2021, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỉ đồng, tăng trưởng gần 40%, cao nhất từ trước tới nay. “Nhiều ngân hàng ở vị thế thuận lợi hơn HDBank khi đã có giai đoạn phát triển trước khi có sự tham gia của các công ty tư nhân lớn. Khi chúng tôi tham gia, HDBank bé xíu nhưng giờ tăng trưởng mấy chục lần,” bà Thảo nói về việc thị trường thường dồn sự chú ý vào Vietjet mà bỏ qua sự phát triển “như Thánh Gióng” của HDBank.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trên trang bìa Forbes Việt Nam số 103, tháng 3.2022.
Bất động sản nghỉ dưỡng là hoạt động kinh doanh nổi bật đáng chú ý của bà Thảo khi mới quay về Việt Nam. Dự án đầu tiên là Furama Resort Đà Nẵng, hiện do công ty Địa ốc Phú Long quản lý. Trong đại dịch, công ty bất động sản này mở rộng quỹ đất nhanh chóng, theo dữ liệu của Forbes Việt Nam, đã thực hiện chín thương vụ M&A trong năm qua, một trong số đó là SwanBay (Đồng Nai). Cuối năm 2021, Phú Long hợp tác với Keppel Land, nhà phát triển bất động sản lớn của Singapore để phát triển một phần khu đô thị Mailand rộng gần 300 héc ta tại Hà Nội.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa biên giới giữa các quốc gia đã đẩy hàng không trở thành ngành ảm đạm nhất. Theo ước tính của hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) năm 2020, ngành hàng không thế giới lỗ 126 tỉ đô la Mỹ, con số năm 2021 là 52 tỉ đô la Mỹ. Nhiều hãng hàng không khu vực đang tái cơ cấu để phục hồi hoặc dừng hoạt động như Philippine Airlines (Philippines), Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Cathay Dragon (Hong Kong). Vietjet Air không miễn nhiễm với những khó khăn. Lợi nhuận sau thuế của công ty từ mức 3.800 tỉ đồng năm 2019 giảm mạnh xuống 68 tỉ đồng năm 2020 và 44 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm 2021.

Trong những thời khắc khó khăn khó khăn, vai trò “sếu đầu đàn” của những doanh nghiệp như Sovico, Vietjet Air, HDBank mới bộc lộ khi nhóm công ty này đóng góp 100 tỉ đồng vào quỹ Vaccine Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Vietjet thực hiện hàng trăm chuyến bay đưa hàng chục ngàn người Việt từ Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… về nước.

Giữa năm 2021, đại dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM, Vietjet thực hiện hàng trăm chuyến bay đưa hàng chục ngàn cán bộ y tế, quân đội, công an và vận chuyển hàng triệu liều vaccine, trang thiết bị y tế tăng cường cho khu vực phía Nam chống dịch. Nhóm công ty cung cấp 1,8 triệu suất ăn cho y bác sĩ, người dân tại các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, tặng hơn 100 xe cứu thương, hàng trăm máy thở cao cấp, hàng triệu liều vaccine, các trang thiết bị y tế hỗ trợ chống dịch… cho nhiều tỉnh, thành.

Cùng với FPT “giải cứu” sàn HoSE, bà Thảo nhận bằng khen của bộ Tài chính, nhưng bà nói “tấm huy chương của các công ty chứng khoán và cộng đồng nhà đầu tư mới quan trọng nhất.” Và còn nhiều đóng góp lặng thầm khác của nữ doanh nhân này ít được xã hội biết đến. Tháng 6.2021, chính phủ thành lập quỹ Vaccine Việt Nam, chương trình xã hội hóa huy động các nguồn lực xã hội cả trong nước và ngoài nước, cả doanh nghiệp và cá nhân nhằm chủ động nguồn tài chính mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Tính đến đầu tháng 3.2022, số tiền đóng góp vào quỹ đã đạt xấp xỉ 400 triệu đô la Mỹ. Cổng đóng góp trực tuyến này do Sovico xây dựng, chấp nhận thanh toán từ thẻ tín dụng, thẻ ATM, mã QR, ví điện tử cho đến tin nhắn qua tổng đài. Thông tin ủng hộ và sử dụng được công khai mỗi ngày đến từng khoản đóng góp nhỏ 5-10 ngàn đồng. “Lần đầu tiên kho bạc nhà nước tham gia vào chương trình như thế, nhận tiền lẻ 5 ngàn, 10 ngàn, 20 ngàn trước đây chỉ tiếp nhận tiền thuế, tiền thu ngân sách,” bà Thảo nói.

Năm 2018, chủ tịch liên đoàn Cờ Thế giới (FIDE) Kirsan Ilyumzhinov sang Việt Nam dự lễ khai mạc giải cờ vua quốc tế. Trong lần gặp chủ tịch FIDE, phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Cờ vua là bộ môn thể thao hiếm hoi của Việt Nam có tên trên bản đồ thể thao thế giới.” Giải cờ vua quốc tế tổ chức hằng năm tại Việt Nam đã thu hút hàng trăm kỳ thủ thế giới, là bệ phóng cho những kiện tướng Việt Nam như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn… ra thế giới.

HDBank là tài trợ kim cương cho giải đấu từ năm 2011 đến nay. Mới nhất, cuối năm 2021, trong chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam, tại Moscow, HDBank và liên đoàn Cờ vua Việt Nam (VCF) ký văn bản hợp tác FIDE tổ chức giải cờ vua quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm liền, giai đoạn 2022-2031. “Mình đóng góp rất nhiều cho xã hội nhưng làm âm thầm, mình không nói đó thôi,” nữ doanh nhân gốc Hà Nội nói.

Giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng tại TP.HCM vào tháng 9.2021, đội tuyển futsal nam dự giải vô địch thế giới và lọt vào vòng 1/16, và chỉ chịu dừng bước với tỉ số sát nút 2-3 trước đối thủ mạnh là Nga. Khi sự chú ý của người hâm mộ dồn vào sân chơi lớn của bóng đá nam, ít ai quan tâm việc HDBank đồng hành cùng bộ môn futsal, là nhà tài trợ kim cương cho giải Futsal Quốc gia, cúp Quốc gia từ năm 2017. Sự có mặt của họ đã góp phần nâng cao chất lượng giải đấu, phát hiện các tài năng, tạo cơ hội cọ xát cho các tuyển thủ futsal đưa đội tuyển tham dự World Cup 2021. “Tài trợ bóng đá nam sẽ hướng đến hoạt động quảng cáo, marketing, các chương trình mình làm có ý nghĩa lâu dài,” bà Thảo nói
.

 
Các đóng góp bền bỉ này có ý nghĩa hơn nếu đặt trong bối cảnh Vietjet Air gặp nhiều thách thức trong đại dịch. Giữa quý 3.2021, do dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, đường bay vàng Hà Nội – TP.HCM từng tấp nập với cả 100 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày lúc cao điểm đã có lúc giảm duy trì tần suất tối thiểu. Hãng hàng không sở hữu gần 100 chiếc máy bay buộc phải ngừng các chuyến bay trong khi vẫn tốn chi phí cho duy tu bảo dưỡng máy bay, bến bãi, nhân sự… cũng như các khoản vay khổng lồ khi mua mới hoặc thuê lại các máy bay chở khách từ trước đó.

Bà Thảo làm gì trong những ngày khó khăn? Trong dịch bệnh, Vietjet thực hiện những bước đi linh hoạt. Năm 2019, Vietjet vận chuyển hơn 25 triệu lượt khách cả năm, tương đương hơn hai triệu lượt hành khách mỗi tháng. Trong chín tháng đầu năm 2021, số hành khách vận chuyển giảm xuống còn 700 ngàn lượt mỗi tháng do dịch bệnh. Khi lượng hành khách sụt giảm công ty đẩy mạnh sang vận chuyển hàng hóa. Chín tháng đầu năm 2021, doanh thu vận chuyển hàng hóa của Vietjet tăng 40-50%.

“Con người và hoạt động đào tạo là giá trị cốt lõi của Vietjet,” người xây dựng Vietjet từ số 0 thành công ty tỉ đô la Mỹ nhận định. Ngoài việc đảm bảo sức khỏe y tế cho đội ngũ phi công, tiếp viên… khi nhu cầu bay chạm đáy, công ty đào tạo thêm nghiệp vụ cho tiếp viên hàng không tham gia công việc dưới mặt đất như bảo dưỡng, kiểm tra làm vệ sinh máy bay để ổn định đội ngũ. Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) kín lịch đào tạo, giúp nhân viên nâng cao trình độ, tiếp viên thành tiếp viên trưởng, cơ phó thành cơ trưởng, cơ trưởng lên giáo viên…

Việc sở hữu nhiều mảng kinh doanh khác nhau giúp bà Thảo có dư địa điều chuyển nhân sự hàng không sang làm các công việc bán thời gian như tiếp thị bảo hiểm, giới thiệu sản phẩm tài chính ngân hàng, giới thiệu sản phẩm bất động sản. Bà cho biết hoạt động của Vietjet không phải đơn thuần như một hãng hàng không mà như chuỗi dịch vụ hãng hàng không. Phát huy sức mạnh của hệ sinh thái, nhân viên công ty còn tham gia cung cấp dịch vụ y tế, xét nghiệm, hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

Khi những chuyến bay trên bầu trời trở nên thưa thớt, bà Thảo nhận ra đó là cơ hội tốt nhất để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của Vietjet sau 10 năm hoạt động. Giữa năm 2021, công ty hoàn thành chuyển đổi hệ thống công nghệ đồng bộ từ website, ứng dụng đến việc nâng cấp các quy trình khai thác, vận hành hệ thống, tăng cường quản lý chi phí, áp dụng công nghệ vào điều hành mặt đất. “Thực tế mặt tích cực của đại dịch COVID-19 làm cho mọi người thay đổi hành vi thói quen. Đại dịch tạo ra áp lực người ta không còn lựa chọn nào tốt hơn là việc chuyển đổi số,” bà Thảo nói và cho biết các nhóm công ty dưới quyền nâng cấp, chuyển đổi số trong thời gian tối đa không quá ba tháng.

Bà có cách tư duy khác về chuyển đổi số: “Các doanh nghiệp của mình không gọi là ‘chuyển đổi số’ mà là kinh doanh số, phải thay đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh số, doanh nghiệp nào bắt đầu hình thành sẽ đi thẳng vào kinh doanh số luôn chứ không phải kinh doanh truyền thống rồi lại chuyển đổi.” Đơn cử, công ty bảo hiểm HD Insurance thành lập giữa năm 2020 áp dụng mô hình kinh doanh số, hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi khách hàng nhận được tin nhắn thông báo kích hoạt, xác nhận thanh toán phí bảo hiểm thay vì cách tiếp cận truyền thống trước đây bằng hợp đồng giấy.

Trước đại dịch, thời gian cao điểm Vietjet thực hiện 300 chuyến bay. Trong dịp tết Nhâm Dần mới đây, có ngày cao điểm Vietjet đã thực hiện đến 390 chuyến bay do nhu cầu di chuyển tăng cao. Tổng giám đốc Vietjet nhận định kết quả đó là nhờ sự chuẩn bị sẵn sàng: “Đã có dự báo nên cả hệ thống khai thác đã sẵn sàng từ máy bay, phi công tới việc ứng dụng công nghệ vào trong quản lý, từ việc mua vé tới thủ tục check-in, cả sự sẵn sàng về y tế. Khi đội ngũ đã sẵn sàng thì sẽ không bị động.”

Khi trà dư tửu hậu, nhắc đến bà Thảo, giới doanh nhân vẫn kể câu chuyện, năm 2016 bà “bắt” cả đại sứ Jean Noel Poirier và tổng thống Pháp khi ấy là Francois Hollande chờ đợi khi mải mê thảo luận, giành lợi thế trên bàn đàm phán với hãng hàng không Airbus (Pháp) trong hợp đồng mua 20 máy bay. Đại dịch cũng là cơ hội Vietjet làm việc với nhà cung cấp, thay đổi phương thức thanh toán, thời gian giao hàng nhằm có lợi thế nhất để trẻ hóa đội máy bay.

Mới nhất, cuối năm 2021, Vietjet vừa đưa vào khai thác máy bay thân rộng Airbus A330 với 377 ghế. Trong khi các hãng bay trong nước đã có kế hoạch tham vọng chinh phục các đường bay mới trên thế giới đón đầu nhu cầu phục hồi như Vietnam Airlines bay đi Mỹ, Bamboo Airways bay đi Anh và Đức thì Vietjet vẫn tập trung khai thác các thị trường Đông Bắc Á tiềm năng, chưa tham gia các đường bay dài vì công ty nhận định điều kiện chưa chín muồi.
Giữa năm 2021, Vietjet hỗ trợ đưa hàng chục ngàn bác sĩ, nhân viên lực lượng vũ trang chi viện cho khu vực phía nam chống dịch.

Cuối năm 2021, tên tuổi bà Thảo bất ngờ được nhắc đến trên phương tiện truyền thông vương quốc Anh khi tặng 155 triệu bảng cho Linacre College thuộc đại học Oxford, ngôi trường người con trai cả bà Thảo đang theo học. Theo truyền thông xứ sở sương mù, đây là khoản hiến tặng lớn nhất của một cá nhân cho đại học này trong 500 năm qua. Trò chuyện với Forbes Việt Nam, lần đầu tiên bà Thảo lên tiếng về hoạt động hiến tặng này. Bà cho biết đó là sự may mắn khi được đóng góp một phần trong lịch sử phát triển của trường đại học nổi tiếng thế giới. Bà nói: “Đại học Oxford là cái nôi của tri thức, góp tiền cho trường là cơ hội tốt nhất mang giá trị đóng góp của mình đi nhanh hơn, gần hơn cho cộng đồng nhân loại, trong đó có người dân Việt Nam.”

Tại sao khoản đầu tư đó không dành cho một trường đại học trong nước? Bà Thảo cho rằng có thể xây được một trường đại học hiện đại ở Việt Nam, nhưng khó có thể trở thành nơi thu hút các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu thế giới, khi chưa có môi trường nghiên cứu học thuật, chưa thể trở thành môi trường lý tưởng mang các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế.

“Những điều kiện đó chỉ có ở những kinh đô học thuật như đại học Oxford, Harvard. Mình mong muốn đóng góp của mình có ảnh hưởng lớn nhất, nhanh nhất cho xã hội,” bà nói. Số tiền hiến tặng được trích một phần xây dựng quỹ học bổng, trong đó phía Oxford đóng góp phần đối ứng tăng giá trị. Một phần của khoản đóng góp dành tài trợ cho các dự án nghiên cứu theo chuyên đề giúp các nước đang phát triển như Việt Nam. Cuối cùng, một phần dành để xây một tòa nhà với giảng đường, phòng thí nghiệm phục vụ cho hoạt động học tập, nghiên cứu.

“Mình làm sao để khoản đóng góp tạo ra giá trị tốt nhất, có ảnh hưởng lớn nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu không có mình thì sẽ có người khác. Những người được hưởng lợi là hệ thống giáo dục, là cộng đồng trong đó có thương hiệu của đất nước chúng ta,” bà Thảo nói và bất ngờ tiết lộ: “Tôi có kế hoạch dành phần lớn tài sản của mình để phục vụ cộng đồng. Những dự án như việc quyên tặng cho đại học Oxford là một phần trong chương trình đó.”

Quay lại với câu chuyện kinh doanh, bà Thảo cho biết đại dịch hai năm qua đã củng cố nhiều chiêm nghiệm về điều hành doanh nghiệp: “Đó là cơ hội khẳng định lại cho chính mình về các lý thuyết học thuật quản trị doanh nghiệp khi xây dựng hệ thống cần thích ứng với mọi thay đổi đến từ bên ngoài.”

Về đam mê công việc, nữ tỉ phú cho biết bà có khả năng làm việc bền bỉ, linh hoạt từ mấy chục năm nay kể cả trong điều kiện lệch múi giờ, trong thời gian dài, cường độ căng thẳng trở thành thói quen, không thấy áp lực. “Cuối tuần mình vẫn sắp xếp được 4-5 cuộc họp giải quyết công việc. Mình giữ tinh thần làm việc, sự cống hiến nên có thể làm việc không ngừng nghỉ như đã thấm vào máu,” bà Thảo nói.

Theo Forbes Việt Nam